Lễ hội chọi trâu
"Dù ai buôn đâu bán đâu
Mồng chín tháng tám chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Mồng chín tháng tám thì về chọi trâu"
Hội chọi trâu ở Ðồ Sơn có từ bao giờ? Tới nay chưa tìm ra chứng cớ hoặc văn bản nào ghi lại. Còn truyền thuyết về nguồn gốc lễ hội "độc nhất vô nhị" này thì có rất nhiều. Mỗi một truyền thuyết đều gắn với một sự tích kỳ bí khác nhau, nhưng đều khẳng định: Hội chọi trâu là mỹ tục hào hùng mang tính thượng võ, tính táo bạo và lòng quả cảm rất độc đáo của người Ðồ Sơn.Hội chọi trâu Ðồ Sơn đã từng mai một trong suốt một thời gian dài. Cho đến năm 1990, Ðảng bộ, chính quyền thị xã Ðồ Sơn đã khôi phục hội chọi trâu truyền thống. Ðể có những ngày hội náo nức, người dân Ðồ Sơn phải chuẩn bị rất công phu trong khoảng 8 tháng. Ðiều quan trọng bậc nhất là việc tìm và nuôi dưỡng trâu. Sau Tết âm lịch, các "sới chọi" đều cử người có nhiều kinh nghiệm đi khắp nơi để mua trâu. Nhiều người Ðồ Sơn thường đến những vùng lân cận như Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình... và một số huyện ở ngoại thành Hải Phòng để tìm kiếm trâu. Theo kinh nghiệm thì trâu chọi ở những nơi này thường giật giải nhiều hơn. Chọn trâu là một công việc cầu kỳ và tỉ mỉ. Những con trâu đủ tiêu chuẩn là những con trâu đực khoẻ mạnh: ức rộng, cổ tròn dài và hơi thu nhỏ về phía đầu. Ðó là trâu cổ cò. Lưng trâu càng dày, càng phẳng càng tốt. Háng trâu phải rộng, nhưng thu nhỏ về phía hậu, càng nhọn càng quý. Sừng trâu phải đen như mun, đầu sừng vênh lên như hai cánh cung, giữa hai sừng có túm tóc hình chóp trên đỉnh đầu là khoáy tròn. Mắt Trâu phải đen, tròng đỏ. Mặt trâu càng giống mặt ngựa là trâu chọi hay.
Việc chọn trâu đã khó, việc huấn luyện trâu càng khó hơn. Những người được cử ra chăm sóc trâu thường là những người có nhiều kinh nghiệm. Trâu chọi được nuôi ở chuồng riêng, kín đáo. Ðiều đặc biệt là không cho trâu chọi trông thấy trâu nhà. Mục đích là để trâu chọi khôi phục bản năng hoang dã. Trâu được huấn luyện tại các "sới chọi" (đó là những bãi đất rộng, nhiều người đứng xung quanh, gõ chiêng trống và hò hét để tập cho trâu quen với không khí của ngày hội). Những người nhiều kinh nghiệm mới huấn luyện cho trâu có những miếng đánh hay, độc đáo. Trâu được chọn là trâu chọi, mọi người đều phải gọi là ông trâu. Trâu nào đoạt giải nhất, được tôn lên thánh cụ: Cụ Trâu.
Ở Ðồ Sơn, mỗi phường đều có những người mê trâu chọi, có kinh nghiệm tìm, chăn dắt, huấn luyện trâu chọi, đáng tôn bậc nghệ nhân. Trong ngày hội, tên của họ được nhắc đến với tư cách là chủ của "ông trâu" đang vào trận.
Mở đầu hội chọi trâu là lễ tế thần Ðiểm Tước (vị thuỷ thần Ðồ Sơn và cũng là Thành hoàng chung cho cả vùng Ðồ Sơn). Gần đây nhiều thủ tục trước khi chọi có phần đơn giản hơn, nhưng không vì vậy mà lượng người đến xem ít đi. Trái lại quanh sân vận động, vòng trong, vòng ngoài.
Sau tiếng loa giới thiệu, các ông trâu được các chàng trai dẫn vào sới. Khi cách nhau khoảng 20 m các đối thủ được bỏ "sẹo". Cả đấu trường lặng đi một lúc. Bất chợt, hai trâu lao vào nhau gọi là thế "tử lao". Cuộc đấu diễn ra trong tiếng reo hò vang dậy của hàng ngàn khán giả.
Có trận chỉ diễn ra dăm phút, sự phân thắng bại rất nhanh.. Song có trận kéo dài hàng tiếng đồng hồ vẫn không phân thắng bại. Không khí sới chọi sôi động, tiếng cổ vũ, vỗ tay, reo hò vang dậy. Cuối trận đấu là màn thu trâu. Màn "thu trâu" diễn ra đầy tính nghệ thuật và không kém phần hồi hộp. Khi con trâu thua bỏ chạy, trâu thắng vẫn còn hăng máu đuổi theo, người bắt trâu có nhiệm vụ giữ trâu thắng lại. Ðây là một việc làm dũng cảm, vì hai trâu chỉ cách nhau vài mét, nếu không có kinh nghiệm sẽ rất nguy hiểm.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét